Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Xem mẹ Tây dạy con tường tận về giới tính

Hẳn các bậc phụ huynh đều có nhiều thắc mắc liên quan tới vấn đề vô cùng nhạy cảm đó là giáo dục giới tính: Nên bắt đầu trò chuyện về giới tính với con thế nào đây? Khi nào thì nên nói…


Cath Hakanson - một người mẹ, một y tá, một chuyên gia về giáo dục giới tính và là người sáng lập Sex Ed Rescue. Mang theo những kiến thức y khoa tích lũy trong nhiều năm với hướng tiếp cận giản dị, gần gũi và thực tế, cộng với niềm đam mê giúp đỡ các gia đình, Cath Hakanson đã truyền cảm hứng cho nhiều bậc cha mẹ trong các trò chuyện về giới tính, tình dục với con cái họ. Nhờ đó, những đứa trẻ có thể thổ lộ, chia sẻ với cha mẹ bất cứ chuyện gì. 

Bà mẹ Cath Hakanson hướng dẫn các kiến thức giới tính cụ thể bố mẹ cần dạy trẻ theo từng độ tuổi.
1. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (0-24 tháng)
Ở độ tuổi này, những cuộc trò chuyện về bộ phận cơ thể, giới thiệu chức năng bộ phận cơ thể, phân biệt cơ thể bé traibé gái… chưa thực sự là giáo dục giới tính. Đó chỉ là để trẻ khám phá toàn bộ cơ thể mình và bước đầu nhận ra sự khác biệt giữa trai – gái. Kiến thức trẻ cần biết ở độ tuổi này:
- Tên các bộ phận trên cơ thể - tất nhiên, không thể thiếu âm hộ và dương vật.
- Để trẻ cầm, sờ nắn âm hộ hay dương vật của mình trong khi tắm hoặc trong lúc thay tã/bỉm. 
- Bắt đầu chỉ ra sự khác biệt giữa cơ thể bé trai và cơ thể bé gái – bé trai có dương vật, còn bé gái có âm hộ. 
- Bắt đầu trò chuyện với trẻ về chức năng của các bộ phận trên cơ thể - nước tiểu sẽ đi qua dương vật/âm hộ; phân sẽ đi qua hậu môn. 
- Nếu trẻ không lúc nào thích mặc quần áo, hãy giới thiệu cho con biết về những giới hạn trong việc khỏa thân – có những khoảng thời gian và những địa điểm nhất định mới được trút bỏ quần áo.

2. Trẻ từ 2 đến 5 tuổi
Kiến thức trẻ cần biết:
- Về cơ thể:
+ Tên gọi chính xác các bộ phận trên cơ thể và chức năng của chúng.
+ Con trai và con gái khác nhau nhưng đồng thời lại có những điểm tương đồng – con gái có âm hộ, con trai có dương vật nhưng cả hai đều có núm ti, hậu môn, tay, chân, mũi, miệng…
+ Cơ thể chúng ta khác nhau và sự khác biệt đó hoàn toàn bình thường.
+ Cơ thể có thể nói cho chúng ta biết cảm giác của chúng ta là gì - mỗi người đều có rất nhiều cảm xúc khác nhau và chúng ta có thể cảm nhận chúng bên trong cơ thể. 

Dạy trẻ cần tôn trọng sự riêng tư của người khác.
- Về sự riêng tư:
+ Một số bộ phận trên cơ thể là riêng tư – chúng không phải để dành cho người khác hay cả thế giới nhìn thấy.
+ Có những nơi chốn và thời gian riêng tư/công cộng – đây là một khái niệm khá khó để học đối với trẻ vì nó thường thay đổi. Ví dụ, trẻ có thể không mặc quần áo khi ở nhà vào thời điểm bà ngoại ghé thăm nhưng nếu đó là người thợ sửa đường ống nước thì tuyệt đối không.
+ Cần tôn trọng sự riêng tư của người khác. Ví dụ, nếu cửa phóng tắm đóng, trẻ nên gõ trước và hỏi có ai ở trong không trước khi quyết định bước vào. 
+ Trẻ cũng có quyền riêng tư – như khi trẻ đi vệ sinh, đi tắm hoặc thay quần áo. 
+ Những cuộc trò chuyện về cơ thể phải diễn ra trong khoảng thời gian riêng tư ở nhà và cùng với cha mẹ (chứ không phải trong sân trường).
- Về việc chạm vào cơ thể:
+ Không sao nếu trẻ chạm vào dương vật hay âm hộ nhưng phải có thời gian và địa điểm phù hợp cho việc đó.
+ Đặt ra giới hạn xung quanh việc đùa nghịch bộ phận sinh dục. Giải thích cho trẻ rằng chạm vào bộ phận sinh dục của chính mình có thể tạo cảm giác thích thú, thoải mái nhưng đây là một hành động riêng tư, giống như đi vệ sinh nên nó cần diễn ra trong không gian riêng tư, như phòng ngủ riêng của trẻ.

+ Nếu con nắm lấy bộ phận sinh dục của mình ở nơi công cộng, nhẹ nhàng nhắc nhở con bỏ tay ra khỏi quần. Đừng làm ầm ĩ việc này bởi vì trẻ có thể cảm thấy mình đang phạm tội và bất an. Cuối cùng, trẻ sẽ trưởng thành và tự vượt qua được giai đoạn đó.
+ Nếu phát hiện trẻ đang chơi trò chơi “bác sĩ” với bạn (nhìn và khám bộ phận sinh dục của nhau), hãy hít một hơi thật sâu rồi bình tĩnh can thiệp vào trò chơi của trẻ, đề nghị trẻ mặc quần áo và làm trẻ xao lãng bằng món đồ chơi hay trò chơi khác. Sau đó, bạn có thể thảo luận về sự riêng tư cũng như những quy tắc sờ chạm vào bộ phận sinh dục với con. 
- Về trẻ sơ sinh:
+ Mọi vật sống đều sinh sản - những cái cây trổ hạt, chó mẹ sinh ra chó con và con người thì sinh ra em bé. Bắt đầu chỉ ra những ví dụ về sinh sản cho con khi bạn quan sát thấy. 
+ Một em bé lớn lên bên trong cơ thể người mẹ.
+ Để sinh ra một em bé, cần có sự kết hợp của cả đàn ông và phụ nữ.
+ “Con đến từ đâu” thường là câu hỏi đầu tiên mà trẻ đặt ra. Hãy giải thích rằng cách thức một em bé được tạo nên trong bụng mẹ - cần một phần từ người đàn ông (tinh trùng) và một phần từ người phụ nữ (trứng). 
+ Nếu trẻ muốn biết em bé chào đời như thế nào, chỉ cần giải thích rằng em bé chui ra từ bụng mẹ hoặc thông qua âm đạo người mẹ. 
+ Việc tạo ra các em bé là việc dành cho người lớn, không phải việc trẻ con có thể làm. Hình thành thói quen nhắc nhở con về việc này trong mọi lần bạn trò chuyện cùng con. 

Nếu trẻ muốn biết em bé chào đời như thế nào, chỉ cần giải thích rằng em bé chui ra từ bụng mẹ hoặc thông qua âm đạo người mẹ.
- Về sự sở hữu và đụng chạm
+ Trẻ là chủ nhân cơ thể mình và có quyền quyết định ai có thể chạm vào cơ thể mình (bao gồm cả bạn).
+ Không được phép ôm hay chạm vào ai đó nếu người đó không muốn con làm vậy (và ngược lại).
+ Đôi khi, có một vài lý do khiến một người lớn phải xem xét hoặc chạm vào cơ thể con, như bác sĩ hoặc y tá.
+ Chúng ta không giữ bí mật về cơ thể mình. Bí mật chỉ nên liên quan tới những bất ngờ và các món quà.
+ Trẻ luôn có thể nói về bạn về bất cứ điều gì khiến trẻ cảm thấy tồi tệ hoặc buồn cười.
Ở độ tuổi mầm non, trước khi bước vào lớp 1 chính là độ tuổi dễ dàng nhất để dạy về giới tính. Nếu trẻ không có được một lời giải thích mà trẻ hiểu được, chúng sẽ sử dụng trí tưởng tượng của mình để tạo ra lý do cho riêng mình. Hãy sẵn sàng lặp đi lặp lại những điều cần dạy trẻ bởi chúng sẽ dễ dàng quên đi và đôi khi trẻ không hiểu bạn nói gì hoặc chỉ lắng nghe một phần trong số những gì bạn nói. Và hãy nhớ hỏi trẻ điều trẻ muốn biết là gì, như thế, bạn có thể cho trẻ câu trả lời chính xác.
Bạn cần xác định mình chính là nguồn thông tin số 1 đối với con. Điều này có nghĩa là bạn cần thành thật và không ngại trả lời bất cứ câu hỏi nào của con về các em bé. Bằng cách trả lời, bạn đang truyền cho trẻ thông điệp rằng trẻ có thể trò chuyện với bạn về bất cứ vấn đề gì và rằng bạn là nguồn thông tin đáng tin cậy.

Không có nhận xét nào:
Write nhận xét