Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Trên đời này, chẳng ai thực sự trưởng thành mà không trải qua ít nhiều đau khổ

Hãy thử nghĩ lại xem, có phải câu mà bạn thường bắt gặp nhất trong những lời than thở đầy rẫy trên mạng xã hội đó chính là: "Tại sao cuộc đời mình luôn gặp và yêu những người tồi tệ đến như vậy?"
Hãy thử nghĩ lại xem, có phải câu mà bạn thường bắt gặp nhất trong những lời than thở đầy rẫy trên mạng xã hội đó chính là: "Tại sao cuộc đời mình luôn gặp và yêu những người tồi tệ đến như vậy?"
Không cần phải nghĩ đâu xa xôi, câu trả lời đơn giản hơn bạn tưởng rất nhiều. Không phải do định mệnh, cũng không phải do số phận của bạn nó là như vậy, lý do chỉ đơn giản là: Bạn đang để “phần bị tổn thương” của mình làm nhiệm vụ thu hút sự chú ý của người khác. 
Nếu đối với bạn, khái niệm “phần bị tổn thương” có vẻ quá xa lạ và khó hiểu, vậy thì hãy đọc giải thích về nó nhé. Mỗi chúng ta đều có hai phần trong con người mình: “phần bản ngã” (hay gọi là phần bị tổn thương, cái tôi) và “phần tinh thần” (hay còn gọi là phần thuộc về linh hồn).
Phần bị tổn thương bên trong bạn sẽ luôn khiến bạn cảm thấy không bao giờ đủ. Nó khiến bạn tự hỏi mình rằng liệu bạn có giá trị gì trong cuộc sống này hay không, và thay vì cảm thấy mình thật tốt, nó sẽ khiến bạn cảm thấy mình có quá nhiều khuyết điểm. Nói cách khác, cái tôi của bạn chính là một góc nhìn mà ở đó bạn luôn tự hỏi: Liệu mình có thực sự xứng đáng để được yêu không?


Mặt khác, trong chúng ta vẫn tồn tại phần tinh thần. Đây chính là linh hồn và con người bạn ở một mức độ “vĩ đại” và cao cả hơn. Phần tinh thần giúp bạn cảm nhận được tình yêu, sự tin tưởng, tự do và hạnh phúc. Linh hồn của bạn biết rõ bản thân bạn đáng được yêu và đáng được trân trọng biết bao nhiêu. Nó chính là đối nghịch của cái tôi phía trên.
Trong suốt cuộc đời mình, chúng ta sẽ luân phiên tùy thời điểm mà đứng ở góc độ của một trong hai phần bản ngã hoặc tinh thần mà suy nghĩ, đánh giá mọi việc. Vậy nhưng không may mắn là đa số chúng ta thường sẽ đứng ở góc nhìn của cái tôi để nhìn thế giới trong hầu hết cuộc đời mình. Chúng ta luôn bị ám ảnh rằng mình vô dụng và không có ý nghĩa gì với cuộc sống, và do đó chúng ta bắt đầu tìm cách để khỏa lấp tư tưởng tiêu cực này. 
Cái tôi của bạn sẽ tìm kiếm vật chất bên ngoài nhằm khẳng định giá trị và sự hoàn thiện của bản thân bạn. Nó khiến bạn tin rằng một khi bạn đạt được nhiều hơn trong cuộc sống (như nhiều tiền hơn, người yêu tốt hơn, công việc xịn hơn, nhà to hơn,…) thì bạn sẽ hạnh phúc hơn.


Nhưng sự thật là bạn sẽ không bao giờ thấy hạnh phúc. À mà cũng có, nhưng chẳng được lâu. Bạn có bao giờ rơi vào tình trạng rất vui khi mua được món mình yêu thích nhưng rồi cũng rất nhanh cảm thấy trống rỗng trong lòng chưa? Bản năng của cái tôi là thúc đẩy cảm giác không hoàn thiện bên trong bạn. Vì vậy, khi bạn sống cả đời mà để cái tôi điều khiển, bạn sẽ mãi mãi cảm thấy mình như thiếu đi điều gì đó rất to lớn.
Trong tình yêu, cái tôi của bạn lại càng được dịp hoạt động mạnh mẽ hơn, bởi vì tình yêu chính là nơi chứa đựng nhiều vết thương lòng nhất. 
Chúng ta ai cũng từng cảm thấy thất vọng, hụt hẫng và đau lòng vì một tình cảm, một mối quan hệ đã qua trong quá khứ. Chúng ta đem hết những kỉ niệm và nỗi đau đó đến mãi sau này khi đã trưởng thành, dù rằng có khi chỉ là trong vô thức. Nếu vết thương lòng của quá khứ vẫn còn âm ỉ tận sâu bên trong bạn, bạn sẽ dễ thu hút những người có khả năng khiến nỗi đau đó trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Ví dụ đơn giản: nếu bạn từng trải qua cảm giác bị từ chối hay bỏ rơi, thì trong những mối quan hệ sau này, bạn cũng sẽ dễ rơi vào tình cảnh tương tự.


Tiềm thức của bạn được lập trình để thu hút những ai “lôi dậy” vết thương cũ trong lòng bạn. Lý do là gì ư? Là để bạn có cơ hội trưởng thành. 
Đó đúng nghĩa là một phần thật oái ăm và ngang trái trong quá trình bạn lớn lên. Nguyên tắc của nó chính là: Bạn cứ lặp đi lặp lại cùng một kịch bản, chịu đựng cùng một vết thương, để rồi cuối cùng bạn sẽ chấp nhận được nó và tự chữa lành nó. Chúng ta không thể hàn gắn những gì chúng ta không thấy hay không cảm nhận được.Chúng ta không thể cứ tự dưng mà vượt qua nỗi đau trong lòng mà không cần có sự cố gắng hay chấp nhận qua nhiều lần đổ vỡ. 
Vậy thì, làm cách nào để bạn trưởng thành được sau tất cả những chuyện đó ư? Bằng cách củng cố lại phần tinh thần của mình.
Hãy nhớ rằng, linh hồn bạn mới là thứ hiểu được con người thật sự của bạn. Nó biết rằng bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp, rằng bạn có khả năng làm được những điều vĩ đại, bạn tuyệt vời và mạnh mẽ. Dưới lăng kính của linh hồn, bạn chính là hiện thân của tất cả. Đúng, bạn có thể là một con người không hoàn hảo, nhưng sự thật to lớn hơn thế đó chính là: bạn là một linh hồn đẹp đẽ thật sự.


Khi đã thành công trong việc nhìn đời dưới góc nhìn tích cực hơn, những nỗi đau trong lòng bạn sẽ giảm bớt đi và trong nhiều trường hợp có thể biến mất hoàn toàn. Từ đó, bạn cũng chẳng gặp phải những người toàn khiến mình đau lòng nhiều nữa. Bạn phải nhớ, bạn càng đau lòng vì kiểu người như thế nào, thì sau này cuộc đời sẽ càng đưa đẩy bạn gặp những người tương tự như thế. Cách tốt nhất để không va vào những người như vậy là bạn phải thoát ra khỏi những tổn thương cũ trong quá khứ.
Sau khi bản thân bạn được đánh thức bởi những sự thật đẹp đẽ đến từ tinh thần của chính bạn, bạn sẽ nhận ra rằng những người “sai” hay “không dành cho bạn” rốt cuộc chỉ là người xuất hiện để dạy cho bạn biết cách làm thế nào để cân bằng được tâm trí mình. Trên đời này, chẳng ai thực sự trưởng thành mà không trải qua ít nhiều đau khổ. 
Vậy nên, từ hôm nay đừng hỏi tại sao mình luôn đâm sầm vào những người hoàn toàn sai như thế. Nếu không thay đổi được hoàn cảnh, hãy cố gắng thay đổi thái độ của mình.Bởi vì bạn biết không, đời chỉ thay đổi khi chúng ta thay đổi. 
Nguồn: Báo phụ nữ

Không có nhận xét nào:
Write nhận xét